Ghi Hình Y Học trong bệnh hô hấp

Bệnh hô hấp

Chụp X quang lồng ngực

  • Chụp X quang lồng ngực truyền thống (chuẩn): theo hướng trước-sau, trong lúc chụp bệnh nhân hít vào hết sức và ở tư thế đứng.
  • Chụp X quang lồng ngực theo chiều ngang (chụp nghiêng): ( từ trái sang phải) cho phép xác định vị trí của tổn thương theo chiều sâu, ở một thuỳ hoặc những phân thuỳ phổi.
  • Chụp X quang hướng trước-sau ở tư thế nằm nghiêng: có ích trong việc phát hiện tràn dịch phế mạc hoặc tìm một hang rỗng với hình ảnh mức nước (ngấn nước) và hơi.
  • Chụp X quang theo chiều chéo (chếch): đôi khi cho phép phát hiện một vùng dầy màng phổi.
  • Chụp X quang trong thì thở ra gắng sức:được yêu cầu để phát hiện hình ảnh của tràn khí phế mạc nhỏ. Cũng có ích trong đánh giá độ di động của vòm hoành.

Thuyết minh những hình ảnh X quang lồng ngực

  • Đánh giá chất lượng kỹ thuật:một phim X quang không được quá cứng (vì như vậy tia X khônglàm rõ được những tổn thương có mật độ thấp) nhưng cũng không được quá mềm (vì như thế tia X không làm hiện hình tách riêng được những cấu trúc khác nhau của phổi). Khi so sánh những phim X quang chụp lồng ngực, cần phải tính đến sự khác nhau có thể có giữa các kỹ thuật chụp. Sau đó phải chắc chắn là phim chụp theo đúng hướng trước-sau: tức là hình của hai xương đòn phải thật đối xứng và dải sáng khí quản phải ở đúng giữa.
  • Đánh giá lồng ngực:hình ảnh lồng ngực phải đối xứng hai bên. Nhận xét bề rộng và độ dốc của các khoảng gian sườn, cũng như cấu trúc của các xương sườn (có vết gẫy cũ hay mới, có tổn thương tiêu xương không).
  • Đánh giá trung thất và rốn phổi:Hình ảnh của trung thất và khí quản phải ở đúng giữa. Rốn phổi được tạo nên do sự chồng chéo của những động mạch và tĩnh mạch, của các phế quản, các mạch bạch huyết và những hạch bạch huyết trung thất. Hình ảnh của những động mạch phổi và cây phế quản, (nhất là ở bên phải) thường dễ nhìn thấy. Khó phân biệt được các tĩnh mạch phổi. Những mạch bạch huyết và hạch bạch huyết thì bình thường không thể nhìn thấy. Rốn phổi phải ở thấp hơn so với rốn phổi trái 1 cm.
  • Đánh giá những vùng (trường) phổi:hợp bởi một thảm sáng không đều (là hình ảnh các phế nang), /và những lưới vết mờ (vết cản quang) mảnh nhỏ (là hình ảnh của mạch máu, phế quản nhỏ, mô kẽ).

Những bất thường hay thấy trên phim X quang phổi

BÓNG MỜ LAN TOẢ

  • Khu trú ở trong một thuỳ hoặc một phân thuỳ phổi: là dấu hiệu của viêm phổi thuỳ hoặc phân thuỳ, nhồi máu phổi, xẹp phổi.
  • Không chiếm một phân thuỳ: hình ảnh của lao phổi (ở đỉnh phổi), ứ đọng dịch trong phổi, phù phổi, bệnh phổi mô kẽ (ỏ vùng trước rốn phổi), viêm phế quản-phổi, giãn phế quản (vùng mờ ở đáy phổi).

BÓNG MỜ THÀNH DẢI HOẶC BÈ: (tăng độ đậm vệt phế quản-mạch máu)

  • Tăng độ đậm vệt phế quản: dấu hiệu của viêm phế quản, bệnh bụi phổi.
  • Tăng độ đậm vệt động mạch: sung huyết [sốt, có shunt (đường máu chảy tắt, hoặc lỗ thông) trong tim từ trái sang phải], tăng huyết áp động mạch phổi, viêm động mạch, bệnh phổi mô kẽ.
  • Tăng độ đậm vệt tĩnh mạch: là dấu hiệu của suy tim.
  • Tăng độ đậm vệt mạch bạch huyết: viêm mạch bạch huyết ung thư. HÌNH ẢNH NỐT (CỤC)
  • Nốt to đơn độc: phải phân biệt hình ảnh nốt có giới hạn rõ nét (áp xe, u lao, u tuyến phế quản, u nang) với hình ảnh nốt với giới hạn không rõ nét (ung thư phổi nguyên phát). (Về chi tiết, xem: nốt đơn độc ở phổi).
  • Hình ảnh nốt to và nhiều (đường kính từ 5 mm trở lên): các ổ lao, ổ bụi phổi (nhất là bụi silic phổi ở giai đoạn đã muộn), di căn ung thư vào phổi.
  • Hình ảnh nốt nhỏ (đường kính < 5 mm): thấy trong lao kê, bệnh bụi phổi, bệnh phổi mô kẽ, bệnh sarcoid, bệnh nấm phổi, ung thư tiểu phế quản-phế nang.

HÌNH ẢNH PHỔI TĂNG ĐỘ SÁNG

  • Tăng độ sáng lan toả: giãn phế nang.
  • Tăng độ sáng khu trú: bóng giãn phế nang (kén hoặc nang), hang lao. Vùng tăng sáng có mức nước: áp xe phổi, ung thư phổi có hôc (hình thành hốc rỗng bên trong khối ung thư).
  • Tăng độ sáng ngoài trường của phổi: tràn khí phế mạc, thoát vị dạ dày qua lỗ cơ hoành.

HÌNH ẢNH TRÀN DỊCH MÀNG PHổI (tràn dịch phế mạc): Chỉ khi nào thể tích tràn dịch vượt quá 300 ml thì mới nhìn thấy hình ảnh trên phim X quang chụp lồng ngực theo hướng trước-sau. Nếu chụp theo hướng chếch, theo tư thế nằm nghiêng, hoặc chụp siêu âm cắt lớp thì có thể phát hiện được tràn dịch với lượng nhỏ hơn.

NHỮNG VẾT CALCI-HOÁ (VÔI HOÁ) ở PHOI: có thể phát hiện thấy những cặn calci lan toả trong các mao mạch của phổi (gọi là chứng đọng vôi phổi) hoặc các vết lắng đọng hình lưới hoặc hình nốt (gọi là bệnh vi sỏi phế nang).

Chụp cắt lớp

Chụp cắt lớp cho phép phân tích được những tổn thương nằm ở một độ sâu nhất định, thông qua hình ảnh của các lát cắt theo những mặt phẳng trán (đứng ngang), đứng dọc và nghiêng. Kỹ thuật này có ích trong việc xác định vị trí của những hang lao, khối ung thư phổi, và u nang phế quản.

Chụp cắt lớp vi tính

(CAT = Computerized Axial Tomography, hoặc CAT Scan = chụp quét cắt lớp vi tính)

Chụp cắt lớp vi tính cho phép phân tích định khu mật độ của những tổn thương trong lồng ngực trên hình ảnh những lát cắt qua lồng ngực. Kỹ thuật này rất hữu ích cho việc nghiên cứu các bệnh của trung thất (u tuyến ức, ung thư phổi lan vào trung thất, phân tích những khối u trung thất), những bệnh của màng phổi (phế mạc) (u trung-biểu mô, ung thư phổi lan tới màng phổi, những mảng dầy màng phổi), những bệnh của thành ngực (ung thư phế quản hoặc màng phổi lan ra thành ngực).

Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao (HR-CAT) cho phép phân tích hình ảnh những lát cắt liên tiếp cách nhau từ 1 đến 2mm, và phát hiện những cấu trúc trong nhu mô phổi, nhất là trong bệnh khí phế thũng (giãn phế nang), các bệnh phổi mô kẽ, và bệnh xơ phổi. Có thể thấy hình ảnh “miếng kính mờ ” khi phổi bị thâm nhiễm với cường độ thấp.

Ghi hình cộng hưởng từ (MRI = Magnetic Resonance Imaging): để khám phổi, thì sử dụng kỹ thuật này chỉ ở mức hạn chế, bởi vì không khí trong các phế nang không tạo ra những tín hiệu nhìn thấy được. Tuy nhiên ghi hình cộng hưởng từ lại có ích trong chẩn đoán bệnh của trung thất, và nhận dạng các mạch máu nằm lẫn trong những cấu trúc khác.

Chụp phế quản

Có thể làm rõ những biến đổi kích thước của lòng phế quản, và được chỉ định thực hiện trong chẩn đoán bệnh giãn phế quản. Kỹ thuật này cũng cho phép nhìn thấy được những lỗ rò phế-thực quản hoặc phế quản- ổ màng phổi. Có thể chỉ định kỹ thuật này trong chẩn đoán những trường hợp ho ra máu mà những xét nghiệm thông thường không tìm ra nguyên nhân. Khi chụp phế quản thì yêu cầu chức năng hô hấp phải còn ở tình trạng đủ thích hợp, phải làm cho niêm mạc phế quản tương đối khô, và bệnh nhân phải dung nạp các sản phẩm chứa Iod.

Chụp động mạch phổi

Chụp động mạch phổi được chỉ định để chẩn đoán nghẽn mạch phổi, chẩn đoán những dị dạng bẩm sinh (phồng động-tĩnh mạch) và những bất thường mắc phải trong hệ thống mạch máu của phổi. Chụp động mạch phế quản chọn lọc khó thực hiện về mặt kỹ thuật, nhưng có thể được chỉ định trong chẩn đoán các trường hợp ho ra máu.

Gây nghẽn động mạch phế quản bằng những vật liệu tự tiêu cho phép làm ngừng những trường hợp ho ra máu bị đi bị lại.

Chụp động mạch quét hình xoắn ốc là một phương pháp rất ít xâm hại, được sử dụng đặc biệt trong chẩn đoán nghẽn mạch phổi.

Chụp siêu âm

Phổi không phải là một cơ quan sinh siêu âm, do đó chụp siêu âm chỉ có ích trong việc xác định vị trí tràn dịch phế mạc với lượng nhỏ mà chụp X quang không làm rõ được và cũng không chọc dò được. Ngoài ra siêu âm còn cho phép khám xét trung thất và phát hiện áp xe dưới cơ hoành.

Chụp nhấp nháy phổi

CHỤP NHẤP NHÁY THÔNG KHÍ VỚI XENON PHÓNG XẠ: cho phép đánh giá sự phân bố thông khí, và đặc biệt có ích trong chẩn đoán nghẽn mạch phổi khi kỹ thuật này được so sánh với chụp nhấp nháy truyền dịch.

CHỤP NHẤP NHÁY TRUYỀN dung dịch ALBUMIN đánh DẤU: nếu kết quả bình thường thì có thể loại trừ được chẩn đoán nghẽn mạch phổi. Nếu không bình thường (có một vùng giảm mức độ gắn chất phóng xạ), thì có khả năng bị nghẽn mạch phổi, với điều kiện là kết quả chụp nhấp nháy thông khí phải bình thường. Nếu chụp nhấp nháy thông khí cũng có dấu hiệu không bình thường, thì có khả năng tồn tại một tổn thương trong nhu mô phổi (viêm phổi, xẹp phổi).

CHỤP NHẤP NHÁY VỚI GALLIUM 67: tiêm tĩnh mạch gallium 67, thì chất này sẽ gắn vào các đại thực bào của phế nang được hoạt hoá bởi quá trình bệnh. Mật độ của hình ảnh nhấp nháy sẽ tỷ lệ với cường độ của quá trình viêm. Do đó người ta có thể đánh giá tính chất diễn biến của bệnh ví dụ: bệnh sarcoid, hoặc bệnh phổi mô kẽ.

Bệnh hô hấp
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận