Bệnh hen phế quản (bệnh suyễn, bệnh hen xuyễn)

Bệnh hô hấp

Tên khác: hen phế quản, bệnh xuyễn, bệnh hen suyễn

Định nghĩa

Bệnh có đặc điểm là đường hô hấp bị tắc nghẽn rộng khắp, diễn biến thành những cơn khó thở kịch phát và có thể hồi phục, mà nguyên nhân là tăng tính phản ứng của phế quản đối với những kích thích khác nhau (dị ứng, viêm, thuốc, môi trường).

Căn nguyên

HEN DỊ ỨNG (do yếu tố bên ngoài): ở một số người có sẵn yếu tố thuận lợi, khi hít phải một số kháng nguyên nào đó, nhất là phấn hoa, thì niêm mạc của đường hô hấp tạo ra những kháng thể thuộc nhóm IgE. Phản ứng kháng nguyên- kháng thể sẽ làm giải phóng những chất có tác dụng co phế quản và giãn mạch máu, cũng như kích thích mạnh hệ thống thần kinh phế vị (hệ thống thần kinh phó giao cảm). Hen dị ứng do yếu tố bên ngoài hay gặp nhất là ở những đối tượng trẻ tuổi mà trong tiền sử cá nhân và gia đình thường thấy những triệu chứng dị ứng; nếu một bà mẹ có thai mà kể từ tuần thai nghén thứ 20 tiếp xúc với dị nguyên thì đứa con sinh ra có thể sẽ bị hen. Những dưỡng bào (còn gọi là tế bào bón) đóng vai trò quan trọng trong cơ chế co phế quản cấp tính gây ra do hít phải dị nguyên.

HEN VIÊM (do yếu tố nội tại): hay gặp nhất là ở người lớn, không phải do nguồn gốc dị ứng. ở bệnh nhân bị thể hen này thì immunoglobulin thuộc nhóm IgE trong máu không tăng. Những bệnh nhân này phản ứng bằng những cơn co thắt phế quản và tăng tiết dịch ở niêm mạc phế quản đối với những tác nhân kích thích khác nhau như trong những hoàn cảnh sau đây: nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus ở mũi và ở phế quản-phổi (rhinovirus = virus viêm mũi), khi thở hít phải những chất kích thích, bị xúc cảm, thở không khí quá nóng hoặc quá lạnh. Trong những thể này, hiện tượng viêm nổi lên hàng đầu, rồi từ đó kéo theo sự giải phóng những chất trung gian hoá học từ một số loại tế bào, đặc biệt là các chất histamin, leucotriene, prostaglandin, và yếu tố hoạt hoá tiểu cầu (tiếng Anh: PAF “Platelet Activating Factor”), yếu tố này gây ra tăng tính phản ứng phế quản kéo dài.

HEN DO THUỐC: gây ra bởi aspirin (hội chứng Fernand Widal) hoặc những thuốc kháng viêm không steroid khác, thuốc chẹn bêta, penicillin, morphin, v.v…

VIÊM MẠCH MÁU: hen có thể là biểu hiện của viêm mạch máu, nhất là trong bệnh Wegener hoặc hội chứng Churg-Strauss.

HEN NGHỀ NGHIỆP: hen dị ứng có thể gây ra bởi nhiều loại chất có trong môi trường lao động, nhất là trong công nghiệp chế tác da, thuỷ tinh, công nghiệp chế tạo thuốc tẩy giặt, hoặc sản xuất thuốc kháng sinh và công nghiệp dệt.

Dịch tễ học

Ước lượng số lượng tử vong hàng năm do bệnh hen ở Pháp là gần 1.500 trường hợp, trong đó 1/3 là những đối tượng còn trẻ tuổi. Ở trẻ em, hen phế quản là bệnh mạn tính hay gặp nhất, ở người lớn, từ 5-8% dân số, nói chung, cho biết họ đã từng có những cơn hen và trong một nửa số đó cơn hen xảy ra ở 12 tháng cuối đời.

Triệu chứng (cơn hen)

Cơn hen kinh điển thể hiện bởi tình trạng khó thở ra với tiếng rít, làm bệnh nhân hoảng sợ, và nghe phổi thấy ran rít. Bệnh nhân thở vào không hết thì (không đầy đủ), thở ra khó, kéo dài và thành từng đợt; bệnh nhân “đẩy hơi ra” bằng các cơ hô hấp phụ. Trước khi hết cơn hen thì bệnh nhân khạc đờm màu trắng nhạt, trong, nhốt, và dính.

Quan sát bệnh nhân trong cơn hen, thấy lồng ngực phồng lên quá mức, tăng tiếng vang khi gõ. Đôi khi nghe thấy cả tiếng rít thở ra xa xăm (tiếng Anh “wheezing”). Nhịp thở đảo nghịch với thì thở ra kéo dài gấp 2-3 lần so với thì thở vào.

Những thể lâm sàng

HEN THEO MÙA: những cơn hen xẩy ra mau hơn trong một thời kỳ nhất định trong năm. Hen dị ứng kinh điển thường khởi đầu từ khi còn nhỏ tuổi, đôi khi có những biểu hiện dị ứng xẩy ra trước (như sổ mũi theo mùa, mày đay).

HEN DO YẾU TỘ NỘI TẠI: những cơn hen thưa, thường khỏi phát bởi những đợt viêm phế quản. Bệnh bắt đầu xuất hiện muộn, ở người đã đứng tuổi, không có tiền sử dị ứng.

HEN KHÓ THỞ LIÊN TỤC: là thể nặng, gặp ở những bệnh nhân đã bị hen lâu ngày, tiến triển tới suy hô hấp mạn tính. Bệnh nhân khó thở thường xuyên, ngay khi chỉ gắng sức chút ít, hoặc bị xúc cảm thì khó thở cũng nặng lên. Khó thở thường nặng thêm bởi những cơn ho kiệt sức. Thể hen này gần gũi với bệnh phế quản-phổi tắc nghẽn mạn tính (xem bệnh này).

HEN DO GẮNG SỨC: gắng sức thể lực, nhất là đối với thể hen do yếu tố nội tại, có thể khởi động những cơn khó thở ra. Đôi khi cơn khó thở ra được khởi động bởi lạnh. Cơn hen do gắng sức khác với khó thở do tim vì-khi khám thực thể thấy hệ tuần hoàn không bị bệnh và trong cơn hen nghe thấy tiếng rít ở thì thở ra.

HEN ở TRẺ CÒN BÚ VÀ TRẺ NHỎ Tuổi: thường là thể kịch phát và tăng thân nhiệt. Đôi khi trước cơn hen bệnh nhi bị ngứa ở mặt trước vùng cổ và ngực.

HEN TRẺ EM: bên cạnh cơn hen điển hình, hay gặp những thể không điển hình, trong đó triệu chứng nổi trội là những cơn ho co thắt xẩy ra vào ban đêm.

TRẠNG THÁI BỆNH HEN: bệnh nhân có cơn hen liên tục với tình trạng tắc nghẽn phế quản nặng, xảy ra cấp tính hoặc tiến triển nặng dần, không thể cắt cơn được bằng những biện pháp điều trị thông thường như hít khí dung thuốc giống-bêta (nhiễm toan hô hấp làm hư hại đáp ứng của phế quản với thuốc). Trạng thái bệnh hen xuất hiện không có nguyên nhân rõ rệt hoặc sau điều trị sai lầm, nhất là sai lầm lạm dụng thuốc giống-bêta hoặc thuốc làm dịu (an thần). Xúc cảm mạnh mẽ, nhiễm khuẩn phế quản-phổi, thay đổi thời tiết đều có thể là những yếu tố thuận lợi làm xẩy ra trạng thái bệnh hen. Khởi đầu của trạng thái bệnh hen cũng giống với một cơn hen thông thường. Nhưng sau đó, cơn khó thở ra ngày càng nặng hơn, nhịp thở và mạch tăng nhanh. Bệnh nhân tím tái, nếu đo các khí trong máu, thì được các giá trị ở mức hen nặng hoặc rất nặng. Lưu lượng đỉnh (“peak flow”) giảm xuống dưới 40% của giá trị cao nhất đo được vào những thời gian trước khi trạng thái bệnh hen xảy ra.

Thể tích thở ra tối đa giây (FEV1) có thể tụt xuông tới 10-15% của giá trị bình thường. Phải cho nhập viện cấp cứu nếu thấy những dấu hiệu sau đây:

  • Khó thở kèm theo mệt ghê gớm.
  • Nói và ho khó khăn.
  • Tần số thở > 30 lần/phút.
  • Lưu lượng đỉnh (“peak flow”) < 150 1/phút.
  • Nhịp tim > 120 lần/phút.
  • Mạch nghịch thường.

X quang: chụp X quang lồng ngực thấy bình thường hoặc tăng độ sáng (tăng nở phổi) hoặc có những hình ảnh thâm nhiễm thoáng qua.

Xét nghiệm cận lâm sàng

HUYÊT ĐỒ: tăng bạch cầu hạt ưa acid hay xảy ra trong trường hợp hen dị ứng.

XÉT NGHIỆM ĐỜM: soi kính hiển vi cho thấy trong trường hợp hen dị ứng thì đờm chứa bạch cầu hạt ưa acid, đôi khi thấy những thể Curschmann hình xoắn ốc (cuộn sợi hoặc tơ niêm dịch), và những tinh thể Charcot-Leyden.

XÉT NGHIỆM MIỄN DỊCH

  • Test bì tăng mẫn cảm: thực hiện dựa vào hỏi tiền sử; test này cho phép xác định dị nguyên gây ra hen dị ứng từ bên ngoài, nhất là những loài phấn hoa, thuốc (aspirin), dị nguyên nghề nghiệp (bột), v.v…
  • Định lượng immunoglobulin:sử dụng test PRIST (xem từ này) để định lượng IgE toàn bộ sẽ thấy tăng trong trường hợp dị ứng nói chung và trong hen dị ứng do tác nhân bên ngoài nói riêng. Bằng xét nghiệm RAST, có thể phát hiện thấy những IgE đặc hiệu chống lại những chất mà bệnh nhân hít phải. Tuy nhiên, những xét nghiệm này rất đắt tiền, nên chỉ làm khi test bì tăng mẫn cảm tức thời dù thực hiện đúng cách, vẫn cho kết quả không chắc chắn.

Xét nghiệm bổ sung

LƯU LƯỢNG ĐỈNH (tiếng Anh: “peak flow”): có thể đo bằng lưu lượng kế, mà chính bản thân bệnh nhân cũng có thể sử dụng được. Nên yêu cầu bệnh nhân thứ 3 lần vào buổi sáng, buổi tối hoặc vào lúc bệnh nhân có triệu chứng và ghi lấy giá trị cao nhất. Thường cũng phải xem xét tới giá trị tối thiểu cùng một lúc trong ngày, nói chung vào buổi sáng. Nếu thấy giá trị lưu lượng đỉnh thấp dưới 200 1/phút hoặc dưới 50% giá trị chuẩn (bình thường), thì kết luận là hen nặng.

Đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi cho hít thuốc giống-bêta sẽ khẳng định được chẩn đoán nếu hai kết quả chênh lệch nhau > 15%.

Kết quả điều trị hen được đánh giá là đã ổn định phải căn cứ vào lưu lượng đỉnh đo buổi sáng và buổi tối đã trở lại bình thường với dao động chỉ dưới 15% trong khoảng thời gian 24 giờ.

ĐO PHẾ DUNG (HÔ HẤP KẾ) TRONG LÚC CÓ CƠN HEN

  • Dung tích sống (VC): ít giảm, nhưng thể tích thở ra tối đa giây (FEV1 hoặc VEMS) thì giảm. Nếu FEV1 thấp xuông dưới 30% giá trị bình thường, thì đó là dấu hiệu hen nặng.
  • Lưu lượng thở ra gắng sức hoặc lưu lượng đỉnh hoặc “peak flow” giảm khoảng 50%. Nếu lưu lượng này thấp hơn 150 1/phút thì phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

ĐỊNH LƯỢNG CÁC KHÍ

  • Hen nhẹ: tăng pH máu động mạch và giảm PaCO2 (nhiễm kiềm hô hấp kín đáo) và giảm oxy- huyết nhẹ (PaO2 > 50 mmHg).
  • Hen vừa phải: giảm oxy-huyết nhiều hơn, nhiễm kiềm hô hấp và pH máu động mạch giảm (khởi đầu của nhiễm toan do khí).
  • Hen nặng: pH giảm xuống dưới 7,4 vì PaCO2 tăng lên và trở thành bình thường (35-45 mmHg). Giảm oxy-huyết nhiều hơn nữa, và thông khí phổi bị rối loạn nặng nề. Có thể phải chỉ định hô hấp hỗ trợ.
  • Hen rất nặng: pH tiếp tục giảm thấp hơn nữa ( nhiễm toan nặng do khí). PaCO2 vượt quá những giá trị bình thường, giảm oxy-huyết sâu sắc. Những biến đổi này là dấu hiệu của suy hô hấp nặng.

PHÁT HIỆN TĂNG PHẢN ỨNG PHẾ QUẢN: ở những cơ sở chuyên khoa sâu, có thể làm rõ đáp ứng quá mức của những cơ trơn ở phế quản đối với một số tác nhân kích thích. Ví dụ, có thể tiến hành những nghiệm pháp gây cơn hen (hoặc nghiệm pháp gây co phế quản) với những dị nguyên đặc hiệu (như bụi nhà, bụi không khí, bụi nghề nghiệp). Cũng có thể khảo sát tính phản ứng của phế quản đối với những tác nhân kích thích không đặc hiệu (phản ứng với lạnh, khi gắng sức, với methacholin). Đôi khi có thể làm nghiệm pháp gây phản ứng ở mũi và đo biến đổi về sức cản ở mũi bằng phép đo áp suất mủi.

X QUANG: không phải bao giờ cũng cần thiết trừ trường hợp có biến chứng nhiễm khuẩn.

Biến chứng

  • Tràn khí màng phổi, khí thũng (tràn khí) trung thất và đôi khi cả khí thũng dưới da có thể xẩy ra trong cơn hen do vỡ các phế nang.
  • Xẹp phổi: gây ra bởi nút dịch chế tiết trong phế quản, thường khu trú ở thuỳ giữa phổi phải.
  • Giãn phế quản.
  • Tâm-phế mạn.
  • Đột tử: nhất là ở trẻ em, xẩy ra vào ban đêm. Hiếm gặp và không rõ nguyên nhân.

Chẩn đoán phân biệt

  • Ở trẻ em: phân biệt với: dị vật trong đường hô hấp (khó thở đột ngột), viêm thanh quản cấp tính hoặc viêm nắp thanh quản (giả bạch hầu thanh quản với tiếng rít ở thì thở vào), viêm tiểu phế quản do virus, nhất là do virus hô hấp hợp bào.
  • Ở người lớn: phân biệt với suy tim (hen tim), bệnh phế quản-phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phế quản-phổi dị ứng với aspergillus, hội chứng carcinoid, bệnh phổi bạch cầu hạt ưa acid, khối u hoặc phù thanh quản, nghẽn mạch phổi tái phát nhiều lần.
  • Ớ người già: nếu là “cơn hen đầu tiên” thì phải nghĩ tới phù phổi cấp.

Tiên lượng

Hen trẻ em đôi khi khỏi hẳn vào tuổi dậy thì. Diễn biến của hen dị ứng (do yếu tố bên ngoài) thất thường và khá nhanh chóng dẫn tới suy hô hấp mạn tính. Ngược lại, hen do viêm (do yếu tố nội tại) có thể diễn biến thành từng đợt tới giãn phế nang nặng, hoặc tâm-phế mạn và suy hô hấp.

Điều trị

Điều trị chống viêm bằng corticoid là chủ đạo trong biện pháp điều trị bệnh hen; nên kết hợp corticoid với những thuốc giãn phế quản, nhất là những thuốc giống- bêta có tác dụng kéo dài. Trong các cách cho thuốc chống hen, thì khí dung có tác dụng cải thiện quan hệ lợi-hại giữa hiệu quả với tác dụng không mong muốn. Giáo dục bệnh nhân sử dụng thuốc và dụng cụ khí dung đã trở thành vấn đề rất quan trọng (xem phần dưới: tự quản lý điều trị)

ĐIỀU TRỊ CƠN HEN

  • Hen nhẹ: bệnh nhân chỉ bị một hoặc hai cơn nhẹ hoặc ít hơn mỗi tuần; bị những rối loạn vào ban đêm một hoặc hai lần mỗi tháng; giữa các cơn không có biểu hiện triệu chứng; chức năng phổi bình thường vào lúc không có cơn hen, và không thay đổi quá 20% trong lúc có cơn. Điều trị: khí dung thuốc giống-bêta khi có nhu cầu (“theo đề nghị”), hoặc cho trước lúc phải gắng sức hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên; nếu bệnh nhân phải dùng thuốc giống-bêta quá 3 lần trong một tuần vì thở khó, thì hen không còn là nhẹ mà là ở mức vừa phải.
  • Hen vừa phải: bệnh nhân bị mỗi tuần nhiều hơn một hoặc hai cơn nhẹ hoặc vừa phải, làm ảnh hưởng tới các hoạt động hoặc giấc ngủ; có những triệu chứng hen vào ban đêm nhiều hơn hai lần mỗi tháng; lưu lượng đỉnh ở giữa 60% và 80% của giá trị bình thường. Điều trị: cho thở đều đặn acid cromoglixic, nedocromil, hoặc trong trường hợp không có kết quả thì thở khí dung corticoid; khí dung thuốc giống-bêta dùng theo nhu cầu (“theo đề nghị”), nhưng không vượt quá 3-4 lần mỗi ngày.
  • Hen nặng vừa: bệnh nhân bị nhiều hơn 5 cơn nặng vừa trong mỗi năm và bị tắc nghẽn phế quản kéo dài làm hạn chế sinh hoạt; có triệu chứng tắc nghẽn phế quản giữa các cơn; lưu lượng đỉnh ở giữa 60% và 80% của giá trị bình thường. Điều trị: thở khí dung corticoid phối hợp với theophyllin chậm hoặc thuốc giống-bêta tác dụng kéo dài; Khí dung thuốc giống-bêta dùng theo nhu cầu (“theo đề nghị”), nhưng không quá 3-4 lần mỗi ngày.
  • Hen nặng: cơn hay xẩy ra và nặng; hen ban đêm hay xẩy ra, có triệu chứng tắc nghẽn phế quản ảnh hưởng tối sinh hoạt giữa các cơn mặc dù được điều trị; lưu lượng đỉnh thấp dưới 60% so với giá trị bình thường với biến động lớn hơn 30%. Cũng điều trị như với hen nặng vừa phải nhưng phải cho thêm corticoid uống; nếu kiểm soát được những cơn hen và duy trì được một vài tuần, thì có thể thử giảm dần liều để giữ liều điều trị duy trì tối thiểu.

ĐIỀU TRỊ TRẠNG THÁI BỆNH HEN: về nguyên tắc, trạng thái bệnh hen là một cấp cứu nội khoa yêu cầu phải được điều trị trong một trung tâm chăm sóc tăng cường. Đối với những thể nặng, người ta áp dụng những kỹ thuật hồi sức (liệu pháp oxy, hô hấp hỗ trợ). Để giải phóng tắc nghẽn phế quản, cho thở khí dung thuốc giống-bêta. Cho corticoid, nhất là hemisuccinat hydrocortison (600-1000 mg mỗi ngày) hoặc methyl- prednisolon (80-125 mg) theo đường tĩnh mạch, đôi khi phối hợp với antacid hoặc Cimetidin để tránh loét do stress. Điều trị nhiễm toan bằng bicarbonat natri với liều thích hợp là rất quan trọng. Bất kỳ phát hiện thấy nhiễm khuẩn phế quản- phổi nào cũng đều phải điều trị ngay bằng kháng sinh. Thông khí hỗ trợ có thể cần thiết. Những thuốc giống-bêta là thuốc giãn phế quản duy nhất có hiệu quả mạnh và tức thời (trong 15-20 phút). Adrenalin tiêm tĩnh mạch đôi khi được sử dụng ở trung tâm hồi sức.

CÁC THUỐC CƠ BẢN ĐỂ ĐIỀU TRỊ BỆNH HEN

  • Corticoid: tác động tới quá trình viêm của bệnh hen và gián tiếp phòng ngừa cơn co thắt phế quản, bằng cơ chế ngăn cản sự giải phóng những chất có tác dụng co phế quản trong những phản ứng dị ứng thuộc kiểu phản vệ. Corticoid khí dung ít gây ra hiệu quả không mong muốn (tác dụng phụ) hơn, so với corticoid uống (hiệu quả kìm hãm tuyến thượng thận chỉ xẩy ra với liều rất cao). Khí dung corticoid chỉ tác động khi đường thở thông thoáng để cho thuốc có thể vào sâu trong các phế quản. Liệu pháp corticoid khí dung rất có hiệu quả đối với viêm phế quản, và hầu như được sử dụng một cách hệ thống trong trường hợp hen mạn tính, đôi khi phối hợp với các thuốc giống-bêta.
  • Đường uống: nói chung cho một liều tấn công (prednison 30- 40mg/ngày), sau đó tuỳ theo diễn biến giảm dần tối liều nhỏ hơn chỉ vừa đủ để có hiệu quả giãn phế quản. Ngừng thuốc chậm chạp và khó khăn.
  • Đường khí dung: beclometason phun hai hơi, nhắc lại 3-4 lần mỗi ngày, có tác dụng làm giảm liều corticoid uống ở những bệnh nhân hen phụ thuộc corticoid.
  • Corticoid tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp thịt được chỉ định cho những cơn hen kéo dài và nặng mà với những biện pháp kể trên đều thất bại.
  • Thuốc giống-bêta (cường bêta): những thuốc giống-bêta có tác động kéo dài (ví dụ 98-lmeterol) được dành cho điều trị dài hạn bệnh hen. Những thuốc này có ưu điểm là sử dụng hai ngày một lần, nhưng lại có bất tiện là tạo thuận lợi cho bệnh diễn biến âm thầm tới tình trạng viêm nặng. Do đó, những thuốc giống-bêta chỉ được chỉ định phối hợp với một thuốc chống viêm bổ trợ là corticoid khí dung.
  • Theophyllin và các dẫn xuất: cho theo đường uông dưới dạng thông thường hoặc dạng giải phóng chậm. Khó xác định được liều tối ưu. Trong trường hợp không chắc chắn, thì định lượng theophyllin-huyết (phải duy trì mức theophyllin trong máu từ 10 đến 15 mg/1, hoặc pg/ml) vào 8 giờ sáng, để kiểm tra hiệu quả của điều trị sau khi qua đêm, và vào ban ngày thì định lượng 4 giờ sau khi uống thuốc. Có những chế phẩm tiêm tĩnh mạch chậm dành cho những cơn hen nặng.
  • Acid cromoglixic và nedocromil: cấc thuốc này ức chế dưỡng bào (tế bào bón) giải phóng các hạt; thuốc không có tác dụng giãn phế quản và được sử dụng để phòng ngừa cơ hen, khi bệnh hen có thành phần dị ứng hoặc cơn hen được khởi động bởi lạnh hoặc bởi gắng sức thể lực. Vì những thuốc này chỉ dùng để ngừa cơn hen, nên không thể dùng khi cơn hen đã khỏi phát; trong thực tế những thuốc này không độc hại.
  • Thuốc kháng tiết cholin: tác dụng chống co thắt phế quản hạn chế, nhưng có ích trong những thể hen trội về tăng chế tiết ở niêm mạc phế quản; bromua ipratropium đôi khi được sử dụng riêng hoặc phối hợp với một thuốc giãn phế quản khác theo đường khí dung, phun vào họng 1-2 lần mỗi ngày, mỗi lần 0,1 mg. Tác động của thuốc chậm (giãn phế quản đạt mức đỉnh sau 60-90 phút).

CÁC BIỆN PHÁP PHỤ TRỢ: bổ sung nước cho bệnh nhân nếu thấy có tình trạng mất nước, làm ẩm vi khí quyển, liệu pháp sinh lý (thư giãn, kiểm soát hô hấp, dẫn lưu bằng tư thế), liệu pháp oxy cho tới khi hết tăng khí carbonic-huyết. Chỉ được cho những thuốc làm dịu (an thần) nhẹ trong trường hợp hen nặng vừa phải, hoặc nếu yếu tố lo âu đóng vai trò quan trọng. Liệu pháp kháng sinh nếu hen thuộc typ nội tại do nhiễm khuẩn phế quản-phổi. Liệu pháp vận động hô hấp (tập thở) là một biện pháp bổ trợ cho thể hen mạn tính.

ĐIỀU TRỊ HEN DỊ ỨNG: phải tìm dị nguyên gây bệnh thông qua hỏi tiền sử, làm test bì, những test gây cơn hen (chỉ được thực hiện ở trong bệnh viện), phát hiện IgE đặc hiệu (test RAST). Có thể thực hiện những liệu trình giải mẫn cảm với tinh chất tách ra từ phấn hoa, nhưng kết quả của biện pháp này lại không nhiều so với những nguy cơ gây ra hiệu quả không mong muốn (mày đay, sốc phản vệ).

Tự QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ: đây là một kế hoạch hành động cho phép bệnh nhân phối hợp với thầy thuốc, nhằm quản lý những cơn bệnh dựa trên những giá trị đo lưu lượng đỉnh mà bệnh nhân tự làm lấy được và cũng biết tự mình so sánh với những giá trị tham khảo trung bình như sau:

> 80%: tiếp tục điều trị thông thường.

<80%: điều chỉnh liều theo kế hoạch

<60%: uống thêm corticoid và hỏi thầy thuốc.

<40% (cơn hen nặng) gọi thầy thuốc cấp cứu hoặc xe cấp cứu đưa vào viện.

Bệnh hô hấp
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận