Phẫu thuật Mohs điều trị ung thư da

Bệnh da liễu

I.  ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật Mohs là kỹ thuật cắt bỏ từng lớp và được kiểm tra bằng kính hiển vi cho đến khi loại bỏ toàn bộ tổ chức ung thư. Điều này cho phép bảo vệ tối da tổ chức lành và đảm bảo kết quả điều trị ở mức cao nhất.

Kỹ thuật đã tạo ra được bước đột phá trong điều trị ung thư da, giúp cho bác sĩ xác định ngay được việc loại bỏ hết tổ chức ung thư trong quá trình phẫu thuật, tiết kiệm được tổ chức da lành xung quanh và giảm tối đa mức độ tái phát của bệnh.

Tuy nhiên, phẫu thuật Mohs đòi hỏi các trang thiết bị hiện đại. Người bệnh phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, tốn kém về thời gian và kinh phí.

II.  CHỈ ĐỊNH

  • Ung thư tế bào đáy tiên phát và tái phát.
  • Ung thư tế bào vảy tiên phát và tái phát.
  • Các ung thư khác như ung thư tế bào Merkel, ung thư hắc tố.
  • Chỉ định riêng cho ung thư tế bào đáy: nguy cơ cao với một hoặc nhiều hơn các điểm sau:
    • Xâm lấn tổ chức: ung thư tế bào đáy (Ung thư tế bào đáy) thể xơ, Ung thư tế bào đáy không điển hình, Ung thư tế bào đáy sừng hóa, Ung thư tế bào đáy hỗn hợp (Ung thư tế bào đáy kèm Ung thư tế bào vảy), Ung thư tế bào đáy phát triển xung quanh thần kinh và mạch máu, Ung thư tế bào đáy trên nền sẹo bỏng, Ung thư tế bào đáy nhiều tâm.
    • Vùng giải phẫu có nguy cơ tái phát cao: xung quanh các hốc tự nhiên (mắt, miệng, tai, mũi), vùng giữa mặt.
    • Vùng giải phẫu cần tạo hình đạt tối đa về thẩm mỹ và chức năng: vùng đầu mũi, cánh mũi, môi, mí mắt, lỗ tai và vành tai, sinh dục.
  • Thương tổn 6cm ở mặt. Ung thư tế bào đáy tái phát, Ung thư tế bào đáy phát triển nhanh và xâm lấn về mặt lâm sàng.
  • Ung thư tế bào đáy ở người bệnh suy giảm miễn dịch hay ở vùng chiếu tia xạ trước đó.
  • Ung thư tế bào đáy ở người bệnh trẻ đặc biệt là người bệnh nữ trẻ.
  • Người bệnh có hội chứng nơ vi tế bào đáy.

III.  CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Chống chỉ định tương đối:

  • Người bệnh có bệnh tim mạch nặng.
  • Người bệnh suy kiệt nặng.

IV.  CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • Bác sĩ: 2 người
    • Phẫu thuật viên mổ chính: 1 người
    • Bác sĩ giải phẫu bệnh: 1 người
  • Điều dưỡng viên: 1 phụ phẫu thuật
  • Kỹ thuật viên: 2 người
    • Kỹ thuật viên gây mê : 1 người
    • Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh: 1 người
  • Hộ lý: 1 người

2.  Dụng cụ

  • Máy cắt lạnh (Cryotome): 1 chiếc
  • Kính hiển vi: 1 chiếc
  • Bộ tấm vải trải giường: 1 bộ
  • Kẹp phẫu tích không mấu: 1 chiếc
  • Kéo thẳng: 1 chiếc
  • Kéo cong: 1 chiếc
  • Cán dao mổ: 1 chiếc
  • Lưỡi dao mổ: 3 chiếc
  • Móc gillette: 2 chiếc
  • Kẹp cong: 1 chiếc
  • Kẹp không mấu: 1 chiếc
  • Kẹp sát trùng: 1 chiếc
  • Kẹp răng chuột: 1 chiếc
  • Kẹp thẳng không mấu: 1 chiếc
  • Kẹp phẫu tích có mấu: 1 chiếc
  • Chỉ khâu trong: 3 sợi
  • Chỉ khâu ngoài: 2 sợi
  • Kim tiêm 20, bơm tiêm 5ml: 1 chiếc
  • Tấm vải trải giường giấy vô trùng: 4 chiếc
  • Lam đựng mảnh cắt mohs: 1 bộ
  • áo mổ vô trùng: 4 chiếc
  • Găng tay phẫu thuật: 4 đôi

3.  Người bệnh

  • Tắm, vệ sinh sạch sẽ.
  • Dùng thuốc an thần trước 1 ngày.

4.  Hồ sơ bệnh án

  • Bệnh án ghi chép đầy đủ, có số hồ sơ, mã người bệnh, chẩn đoán xác định, mô tả chính xác và cụ thể thương tổn.
  • Các xét nghiệm thực hiện đầy đủ cho cuộc phẫu thuật.
  • Có biên bản hội chẩn duyệt phẫu thuật.
  • Có bản cam kết của người bệnh hoặc người thân người bệnh trước phẫu thuật.

5.  Kiểm tra người bệnh

  • Kiểm tra chức năng sống, kiểm tra hô hấp, kiểm tra tai mũi họng.
  • Đánh giá thương tổn và tình trạng biến dạng do thương tổn gây ra.

V.  CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  • Gây tê tại chỗ.
  • Đánh giá ranh giới thương tổn (bằng bút mầu không xóa), mức độ xâm nhiễm. Xác định ranh giới cắt bỏ thương tổn cách bờ thương tổn từ 1mm đến 2mm.
  • Sát trùng, che tấm vải vô khuẩn có lỗ lên vùng phẫu thuật.
  • Rạch da cách bờ thương tổn 0,2 cm loại bỏ toàn bộ tổ chúc u.
  • Sau đó cắt lớp da tiếp theo, dày 1-2mm. Lưu ý lát cắt phải đều và không bị thủng. Chia lát cắt thành nhiều mảnh nhỏ, đánh số tương đương với hình vẽ trên phiếu điều trị và đánh dầu bờ các mảnh cắt với các mầu khác nhau.
  • Chuyển phòng giải phẫu bệnh làm tiêu bản, đọc kết quả tức thì và trả sau 15-30 phút.
  • Nếu còn thương tổn ung thư thì lặp lại quy trình trên cho đến khi không phát hiện thấy tế bào ung thư.
  • Phẫu thuật phủ tổn khuyết khi hết tổ chức ung thư.

VI.  THEO DÕI

  • Ngay sau phẫu thuật: toàn trạng, chức năng sống, mạch, nhiệt độ, huyết áp, tình trạng chảy máu, vấn đề đau.
  • Xa phẫu thuật: sẹo xấu, co kéo, mất chức năng.

VII.  XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Chảy máu: cầm máu kỹ, băng ép.
  • Nhiễm trùng: kháng sinh phù hợp, có thể nuôi cấy và làm kháng sinh đồ.

Bệnh da liễu
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận